Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, thượng tôn pháp luật chắc chắn sẽ không có môi trường cho những doanh nghiệp làm ăn kiểu chộp giật và có như vậy, mới quy tụ được sự đồng hành của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra các xung lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước.
Mấy ngày nay, nghe tin Mường Thanh lại sai phạm. Ấy vẫn là sai phạm như “trùng trùng điệp điệp” các sai phạm trải dài từ Bắc vào Nam. Nghe đâu, sau khi báo chí “phanh phui”, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã lên tiếng thông tin doanh nghiệp này đã "hô biến" phần diện tích Tổ hợp khách sạn chung cư cao cấp Sơn Trà từ tầng 2 đến tầng 5 đáng lẽ ra là bãi xe, nhà trẻ thành… 104 căn hộ để bán.
Cái sai của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường là điều có thể thông cảm. Nhưng sai đến nỗi “nổi tiếng” vì liên tục được “hợp thức hóa” sai phạm đã khiến người ta phát ngán, “quen thuộc” đến mức nhàm chán.
Đó là công trình khách sạn Mường Thanh không phép xuất hiện sừng sững ngay giữa vị trí trung tâm TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) xảy ra năm 2016; Tại Bình Thuận, dự án khách sạn Mường Thanh Mũi Né xây dựng sai phép 3 tầng; Tại TP. HCM, Mường Thanh được Sở Xây dựng TP. HCM cấp phép khoan thăm dò địa chất khu đất ở số 8A Mạc Đĩnh Chi (P.Bến Nghé, Q.1) có thời hạn. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại tổ chức thi công các tầng hầm và sàn tầng 1 khi chưa có giấy phép xây dựng, chưa đủ điều kiện khởi công công trình.
Đặc biệt, tại Hà Nội, cuối năm 2016, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, trả lời với cử tri cho biết, cơ quan chức năng đã kiểm tra khu nhà ở Đại Thanh do Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu (thuộc Tập đoàn Mường Thanh) làm chủ đầu tư và thấy có những vi phạm hết sức nghiêm trọng.
Chủ tịch Chung liệt kê: “Thứ nhất là xây dựng không phép. Thứ hai là xây dựng quá chiều cao quy định. Tiếp nữa là xây cả vào khu không được phép xây như các vị trí quy hoạch dải cây xanh. Các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy cũng không đủ. Các khu này xây xong thì bán hết rồi”.
Nghe đâu người dân phản ánh, làm nhà cấp 4 mà bị kiểm tra 3-4 lần; xây cái cổng trái phép cũng bị phạt nghiêm và phải đập bỏ; căn nhà nhỏ trong ngõ nhỏ liêu xiêu, xin giấy phép sửa chữa cũng “lên bờ xuống ruộng”. Vậy mà thần thánh thay khi Mường Thanh xây được những tòa nhà chọc trời đầy rẫy sai phạm tạo thành ''liên khúc ba miền''. Chẳng lẽ nguyên lý “lỗ kim” và “con voi” là có thật?
Quay trở lại trường hợp công trình Tổ hợp khách sạn chung cư cao cấp Sơn Trà. Thực tế, trước những sai phạm rõ ràng của chủ đầu tư, các cấp chính quyền của Đà Nẵng đã đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, với chiêu thức “tiền trảm hậu tấu”, “hợp thức hóa” sai phạm vốn đã trở thành bí kíp truyền thống, chẳng mấy chốc “gạo đã nấu thành cơm”.
Vậy là, vết trượt pháp lý... xuyên Việt của Mường Thanh đã đến mức không còn cách cứu vãn?! Hay không lẽ, doanh nghiệp này đang có một điều luật xây dựng riêng?
Xét những trước hợp trên, người ta nghi ngờ có sự bất đối xứng trong thực thi pháp luật. Chính cách xử lý của các địa phương đang gây ra một “ấn tượng” không tốt là dường như pháp luật về trật tự xây dựng chỉ ngắm thẳng vào người dân mà lại trơ trơ với những mối quan hệ thân hữu. Nhiều người băn khoăn, không biết thứ phép thuật thần thánh trong tay Mường Thanh là có thật? Và nếu có thì do ai ban cho?
“Manh động” khi có tiền lệ được du di, “thông cảm” cũng là một điều dễ hiểu trong nền kinh tế thị trường ở trình độ thấp. Nhưng, “thói gian manh” khi đã bị đẩy lên thành phong trào sẽ là mối nguy hại đe dọa đến sự phát triển vững bền của đất nước.
Một tinh thần lớn đã được Thủ tướng chia sẻ với các nhà đầu tư, doanh nghiệp tại “Hội nghị Diên Hồng” Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp diễn ra ngày 17/5, rằng: Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao.
Kiến tạo môi trường kinh doanh đồng nghĩa với việc không được gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp nhưng phải minh bạch, công bằng, thượng tôn pháp luật và bảo đảm thực thi pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Một trong những nền tảng quan trọng nhất để xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân là xây dựng một hệ thống pháp luật tiến bộ, khoa học, công khai, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và gắn với thực thi pháp luật nghiêm minh.
Từ thế kỷ thứ 15, Vua Lê Thánh Tông đã đặt nền móng cho việc hình thành hệ thống pháp luật Việt Nam với triết lý: “Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo”. Có thể thấy tư tưởng của ông cha thể hiện rõ quan điểm dân chủ, tiến bộ trong việc xây dựng thể chế, pháp luật và quản lý Nhà nước bằng pháp luật, không có ngoại lệ, vùng cấm khi nhà vua và thần dân đều phải cùng tuân theo pháp luật.
Năm 1919, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng đã viết: “Bảy xin Hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
Triết lý này một lần nữa vang lên mạnh mẽ, rõ ràng khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV: “Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá; kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin cho; thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; quyết liệt phòng chống tham ô, lãng phí và nhũng nhiễu người dân. Khi có sai phạm, dù bất kể cấp nào cũng phải làm rõ trách nhiệm và xử phạt nghiêm minh”.
Thiết nghĩ, thuở “bình minh rực sáng của Tổ quốc” sẽ không có chỗ cho các doanh nghiệp làm ăn chộp giật, đứng trên pháp luật; trong hành chính kiến tạo và phát triển, Chính phủ cũng không cần và chắc chắn sẽ không có chỗ cho những cán bộ, công chức chỉ nhăm nhe tư lợi, hoặc yếu kém về năng lực, làm kìm hãm và suy giảm xung lực phát triển đất nước./.
Phạm Bá
Nguồn: http://m.reatimes.vn/tu-muong-thanh-nghi-ve-chinh-phu-kien-tao-va-thuong-ton-phap-luat-7485.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét