(Xây dựng) – Hai dự án đầu tư xây mới cơ sở 2 bệnh viện Việt Đức và bệnh viện Bạch Mai (xã Liêm Tuyền, TP Phủ Lý, Hà Nam) nằm trong 05 dự án bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đề án “Đầu tư xây dựng mới 05 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối đặt tại TP.Hồ Chí Minh” theo Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 16/1/2014. Tuy nhiên việc thực hiện hai dự án trọng điểm này đang gặp phải một số “tồn tại” cần được tháo gỡ.
Vì sao phải tự ý thay đổi vật liệu?
Theo đó, cả hai dự án bệnh viện có quy mô 1000 giường bệnh này đều do Ban quản lý dự án y tế trọng điểm – Bộ Y tế là Chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư mỗi dự án gần 5 nghìn tỷ đồng. Theo đó, dự án cơ sở 2 bệnh viện Bạch Mai có mức đầu tư 4.990 tỷ đồng, tổng thầu khảo sát địa chất giai đoạn thiết kế kỹ thuật, thiết kế kết cấu, thí nghiệm cọc, thi công xây dựng, cung cấp lắp đặt thiết bị gắn với công trình khối nhà chính là liên danh Tổng Cty 36- Tổng Cty 319 và Tổng Cty Thành An. Đơn vị thiết kế kiến trúc là Cty VK Studio architects planer anh designers và đơn vị thầu phụ thiết kế kết cấu là Tổng Cty tư vấn xây dựng dân dụng Việt Nam.
Trước thông tin “tự ý” thay đổi cửa, vách ngăn, khóa…tại dự án cơ sở 2 bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đã yêu cầu tạm dừng thi công hạng mục này để kiểm tra làm rõ.
Đối với dự án cơ sở 2 bệnh viện Việt Đức được đầu tư 4.968 tỷ đồng, được phê duyệt tại Quyết định 4986/QĐ-BYT ngày 1/12/2004 và Quyết định số 4985/QĐ-BYT, cả hai công trình dự án bệnh viện đều thuộc loại công trình dân dụng cấp I.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, tại gói thầu ký hiệu XDBM-01 xây dựng bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, một số thông tin phản ánh có dấu hiệu “không minh bạch” trong việc cung cấp cửa, vách nhôm kính, cửa thép, cửa gỗ công nghiệp, cửa gỗ chống cháy kèm vật tư phục vụ công tác lắp đặt của khối nhà khám và điều trị ban ngày và hệ thống thang máy, thang cuốn.
Cụ thể, tại Hồ sơ mời thầu tại trang 246 mục về: nhôm kính, hệ thống cửa vách, thanh nhôm định hình sơn tĩnh điện, phụ kiện bản lề, tay nắm, khóa cho cửa sổ và cửa đi…yêu cầu sản phẩm có xuất xứ từ các nước G7, chất lượng tương đương Technal (CH Pháp). Hồ sơ dự thầu do nhà thầu chính là Tổng Cty Thành An đề xuất có xuất xứ G7, nhưng thực tế các hạng mục đang được nhà thầu phụ lắp đặt thì chỉ là sản phẩm nhôm được sản xuất tại Malaysia và sơn tĩnh điện tại Việt Nam.
Theo đó, tháng 1/2017 Cty Thành An 665 đã ký Hợp đồng kinh tế số 373/HĐKT với nhà thầu phụ để thi công, lắp đặt cấp cửa, vách nhôm kính, cửa thép, cửa gỗ công nghiệp, cửa gỗ chống cháy kèm vật tư phục vụ công tác lắp đặt của khối nhà khám và điều trị ban ngày, sau đó việc thi công lắp đặt đã tiến hành từ tháng 1/2017, trong khi công trình chưa được phê duyệt bản vẽ thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán. Do “tự ý” thay đổi vật liệu không đúng thiết kế tại dự án bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, hiện tại Bộ Y tế đã yêu cầu dừng thi công để làm rõ.
Tuy nhiên theo Báo cáo số 45/BC-QLDA ngày 6/3/2017 của Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm báo cáo Bộ Y tế khẳng định: Theo quy định của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng (Nghị định 46) thì việc cho phép đưa vật liệu, sản phẩm, cấu kiện thiệt bị vào sử dụng cho công trình thuộc trách nhiệm của Chủ đầu tư. Việc lựa chọn, phê duyệt vật tư cửa, vách nhôm của hãng Technal xuất xứ tại Malaysia do Cty Euro window cung cấp hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn, đặc tính kỹ thuật của hồ sơ thiết kế kỹ thuật được phê duyệt; khả năng cung ứng cũng như năng lực gia công, lắp đặt đáp ứng tốt, giá cả hợp lý, tiết kiệm (có thay đổi xuất xứ nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ yêu cầu kỹ thuật của thiết kế và tiết kiệm đến 50% giá so với xuất xứ G7).
Vướng mắc do đâu?
Liên quan đến công tác thẩm định chi phí đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của 02 dự án bệnh viện Việt Đức và bệnh viện Bạch Mai, Bộ Xây dựng đã phát hiện ra “hàng loạt” tồn tại trong công tác quản lý dự án, liên quan đến trách nhiệm của Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm - Bộ Y tế. Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương chỉ đạo kiện toàn năng lực hoạt động quản lý dự án, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý chi phí và quản lý hợp đồng xây dựng, đồng thời chỉ đạo Ban Quản lý hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt “tồn tại” trong quản lý chi phí, quản lý hợp đồng xây dựng, hồ sơ dự toán hạng mục phần ngầm, thân của hai dự án bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai.
Theo đó, những “tồn tại” đối với 2 dự án xây dựng bệnh viện hiện nay còn vướng về quản lý chi phí. Theo Bộ Xây dựng, trong quá trình triển khai thực hiện, cả hai dự án đều phải điều chỉnh thiết kế cơ sở, mở rộng diện tích sử dụng. Đến nay, cả hai dự án đã được thi công xong phần kết cấu khung thô đến tầng mái của khối nhà chính; đang thi công công trình hạ tầng kỹ thuật; đã có kết quả đấu thầu các gói thầu chính về xây lắp, thiết bị, hạ tầng.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm – Bộ Y tế vẫn chưa hoàn thành việc lập Tổng mức đầu tư điều chỉnh theo thiết kế cơ sở sau điều chỉnh đã được duyệt, làm cơ sở để quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014 và Nghị định quản lý chi phí đầu tư xây dựng số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015. Việc này là vi phạm quy định pháp luật đầu tư xây dựng về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Điều này cho thấy, năng lực quản lý dự án không đảm bảo, không nắm vững quy định về trình tự quản lý chi phí và việc lập Tổng mức đầu tư điều chỉnh không kịp thời để làm cơ sở quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Xây dựng thì dự toán xây dựng sử dụng vốn Nhà nước được phê duyệt là cơ sở để xác định giá gói thầu và đàm phán, ký kết hợp đồng xây dựng. Tuy nhiên, tại thời điểm ký hợp đồng của cả hai dự án trên đều không có dự toán thiết kế kỹ thuật được thẩm định và phê duyệt. Thủ tục lập và trình thẩm định dự toán thiết kế kỹ thuật của cả hai dự án đều thực hiện sau giai đoạn đã tổ chức đấu thầu và đã ký hợp đồng xây dựng. Việc này vi phạm quy định tại Điều 135, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.
Bên cạnh đó, 2 dự án xây mới bệnh viện đều thực hiện theo hình thức vừa thiết kế vừa thi công. Theo đó, công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng cần được thực hiện song song và bám sát với tiến độ thiết kế và thi công. Tuy nhiên, thực tế thời điểm trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định dự toán cách xa thời điểm đã có kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật và không đúng theo quy định (thời điểm trình thẩm định dự toán hạng mục phần ngầm là tháng 6/2016 trong khi đã có kết quả thẩm định thiết kế hạng mục này từ 06/2015. Thời điểm trình thẩm định dự toán hạng mục phần thân 02/2017, trong khi đã có kết quả thẩm định thiết kế hạng mục này từ 09/2016 đối với bệnh viện Việt Đức và tháng 11/2016 đối với bệnh viện Bạch Mai). Công tác kiểm soát khối lượng do điều chỉnh thiết kế không đạt yêu cầu, dẫn đến việc lập dự toán không kịp thời, tồn tại nhiều sai sót trong hồ sơ dự toán trình thẩm định.
Đối với những tồn tại về quản lý hợp đồng xây dựng, Bộ Xây dựng đã chỉ rõ: Gói thầu xây dựng của cả hai dự án được thực hiện với hình thức hợp đồng đơn giá điều chỉnh. Tuy nhiên, một số nội dung quy định trong hợp đồng không rõ ràng, không tuân thủ bất kỳ quy định nào tại các văn bản quy phạm pháp luật về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Về hồ sơ dự toán hạng mục phần ngầm trình thẩm định: Dự toán hạng mục kết cấu phần ngầm của cả hai dự án trình Bộ Xây dựng thẩm định, đều có giá trị tăng vượt khoảng từ 40-50% so với giá trị của hạng mục này trong Tổng mức đầu tư đã phê duyệt trước và sau khi điều chỉnh thiết kế cơ sở tại Quyết định số 4986/QĐ-BYT và Quyết định số 4985/QĐ-BYT ngày 01/12/2014 của Bộ Y tế. Với tỷ lệ tăng rất lớn của riêng hạng mục phần ngầm, cho thấy cần phải kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong quá trình triển khai thực hiện dự án nhằm đảm bảo mục tiêu không làm tăng vượt Tổng mức đầu tư xây dựng đã phê duyệt tại Quyết định số 4186/QĐ-BYT ngày 04/8/2016 và Quyết định số 4188/QĐ-BYT ngày 04/8/2016 của Bộ Y tế.
Về hồ sơ dự toán hạng mục phần thân trình thẩm định: Ngày 02/3/2017, Bộ Xây dựng tiếp tục nhận được Tờ trình của Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm đề nghị thẩm định dự toán hạng mục phần thân của cả hai dự án. Tuy nhiên, do các nội dung nêu trên, Bộ Xây dựng tạm thời chưa thẩm định dự toán các hạng mục phần thân của cả hai dự án cho đến khi các nội dung về hồ sơ nêu trên được hoàn thành.
Liên quan đến thông tin thay đổi vật liệu không đúng thiết kế tại dự án bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm cho rằng: Sau khi có thông tin báo chí phản ánh, Bộ Y tế đã có chỉ đạo rà soát lại toàn bộ quy trình và có văn bản tạm dừng thi công đối với hạng mục báo chí đã nêu. Sau đó Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm đã có Báo cáo với Bộ Y tế về các nội dung liên quan và phản hồi cho một số cơ quan báo chí, trong đó khẳng định trình tự, thủ tục được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Từ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Bộ Y tế đã cũng có Đoàn kiểm tra của Bộ xuống, tại buổi kiểm tra đã lập biên bản với các nhà thầu. Ngoài ra Ban cũng đã có Báo cáo giải trình về nội dung này, theo đó chúng tôi khẳng định vật liệu được phê duyệt đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, phù hợp với giả cả và không hề có việc không minh bạch trong vấn đề này.
Liên quan đến việc lập, phê duyệt Tổng mức đầu tư điều chỉnh theo thiết kế cơ sở sau điều chỉnh đã được duyệt. Ông Tuấn cho rằng: Dự án này được thực hiện theo hình thức vừa thiết kế vừa thi công, nên chúng tôi cũng quán triệt các nhà thầu trong việc thực hiện các hợp đồng xây dựng; dự toán khi triển khai giá hợp đồng cũng được thực hiện trên quan điểm tạm tính, sau khi có những dự toán của các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt thì chúng tôi sẽ có những điều chỉnh lại. Việc này nhà thầu sẽ không thể tránh được những rủi ro, bởi trong việc này nhà thầu phải chấp nhận thiệt thòi. Có thể thấy, đối với dự án này sau khi thiết kế, được phê duyệt là tổ chức triển khai ngay và dự toán đi sau. Do dự toán đi sau nên nổi lên mấy nội dung, đó là khi đưa những chủng loại sản phẩm lên phải có sự cân nhắc, nên đây là một yếu tố làm gây ra chậm, ngoài ra nhiều nhà thầu chủ quan, chậm trong việc lập dự toán sau đó mới trình sang phía Bộ Xây dựng để thẩm tra, phê duyệt. Do đó việc chậm trong phê duyệt Tổng mức đầu tư điều chỉnh theo thiết kế cơ sở sau điều chỉnh là một trong những nguyên nhân đó. Ngoài ra, khi triển khai dự án này, phải trải qua hai giai đoạn của Luật Xây dựng cũ và mới, do đó việc thực hiện còn một số vướng mắc…Liên quan đến một số tồn tại mà Bộ Xây dựng nêu, Ban cũng đã rà soát lại, về cơ bản là tuân thủ theo những quy định của pháp luật chứ không có nội dung gì vi phạm hoặc thực hiện không đúng quá trình quản lý đầu tư về quản lý chi phí, quản lý khối lượng, quản lý hợp đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm cũng thông tin: Hiện nay cả hai dự án đều được Bộ Xây dựng thẩm định dự toán hạng mục phần ngầm (đến cos 0.00) và chống thấm phần ngầm. Dự kiến tuần tới, Bộ Xây dựng sẽ thẩm định phần thân của hai dự án bệnh viện trọng điểm.
Dự án đầu tư xây mới cơ sở 2 bệnh viện Việt Đức và bệnh viện Bạch Mai được phê duyệt vào thời điểm tháng 12/2014 là thời điểm Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 còn hiệu lực, nhưng các công tác triển khai tiếp theo lại ở thời điểm Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 bắt đầu có hiệu lực. Đồng thời dự án thực hiện điều chỉnh thiết kế cơ sở sau ngày 1/1/2015, do đó theo quy định của các hoạt động tiếp theo được thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13. Riêng công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo quy định xử lý chuyển tiếp tại Nghị định 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 do dự án phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực và đang triển khai, nên các công việc xác định và quản lý chi phí thực hiện theo Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn Nghị định số 112/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. |
Vũ Chiến – Hải Nguyên
http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/giai-ma-nhung-vuong-mac-tai-hai-du-an-xay-moi-benh-vien-bach-mai-va-viet-duc.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét