(Công lý) - Sau 23 năm Vịnh Hạ Long chính thức trở thành Di sản thiên nhiên thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận, tổ chức này từng đưa ra nhiều khuyến nghị để Việt Nam khắc phục, giữ gìn di sản. Thế nhưng, di sản đang bị xâm hại không thương tiếc.
Những khuyến nghị cần phải thực hiện
Những năm gần đây, từ kỳ họp thứ 33 (năm 2009) của UBDSTG, Vịnh Hạ Long luôn được khuyến nghị về công tác quản lý, bảo tồn xung quanh các vấn đề tác động củadu lịch, xây dựng, nuôi trồng thủy sản, môi trường, đe dọa đến các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Cụ thể, những khuyến nghị lần đầu đối với di sản thiên nhiênthế giớiVịnh Hạ Long đã được UBDSTG đặt ra tại Quyết định số 33 COM 7B.20 năm 2009 với nội dung yêu cầu Việt Nam giải trình về công tác bảo tồn vịnh Hạ Long gồm kế hoạch sử dụng bền vững Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn; đánh giá công tác quản lý di sản từ những áp lực phát triển du lịch, đô thị và công nghiệp, hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản.
“UBDSTG thể hiện quan ngại sâu sắc rằng những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản này vẫn phải chịu sức ép của du lịch, đánh bắt cá và các hoạt động khác diễn ra ngay trong lòng di sản bên cạnh những dự án phát triển kinh tế và các hoạt động đổ rác thải trong khu vực xung quanh di sản”, trích quyết định số 33 COM 7B.20 của UBDSTG năm 2009.
La liệt công trình vi phạm
Có mặt bên bờ vịnh Hạ Long thơ mộng, chúng tôi giật mình khi thấy ngay tại vị trí dự án “nhạc nước” đã có cả một dự ánbất động sảnxâm hại Vịnh Hạ Long. Từ năm 2010, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu các gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống chiếu sáng trang trí ven bờ Vịnh Hạ Long trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Dự án đẹp là thế nhưng hiện nay nằm đắp chiếu ít sử dụng và chính nó còn bị xâm hại bởi một phần dự án khách sạn Sheraton Hạ Long Bay.Đây là Dự án Khách sạn Sheraton Hạ Long Bay là một dự án khách sạn chuẩn quốc tế 5 sao với mức đầu tư 36 triệu đô la Mỹ. Dự án dù đã được khởi công từ tháng 10/2015 nhưng đến nay, công trường dự án Khách sạn 5 sao Sheraton Ha Long Bay vẫn chỉ là bãi đất trống và không hiểu ai đã phê duyệt cho phép dự án được xây dựng trên phần đất lấp một phần bờ vịnh, chạy sát vào chân núi.
Có mặt ở Bãi Cháy, chúng tôi càng giật mình hơn khi thấy hàng loạt dự án bất động sản đã và đang san lấp, lấn vịnh quy mô lớn. Khu vực do Tập đoàn BIM Group triển khai không chỉ có các tòa nhà cao tầng, khách sạn, nhà liền kề mà đơn vị này còn kè lấn biến, xây dựng nhiều đường, hào bê tông sát kè biển và hiện vẫn đang đổ đất, xỉ than lấn ra một số khu vực khác...
Cách khu vực của BIM Group chỉ vài trăm mét, dự án của một tập đoàn khác bất chấp tấm biển báo “không xả các loại rác thải, chất thải xuống biển”, nhiều ô tô đang miệt mài chở đất lấn biển. Những xe đất đổ xuống, kèm theo cả phế thải xây dựng. Không dừng lại ở đó, đơn vị này còn lấp luôn một đoạn biển và ngăn bờ bao, biến biển thành “ao nhà” của mình.
Đi ngược về khu vực trung tâm vịnh Hạ Long, cạnh chợ hải sản nhếch nhác hàng ngày xả chất thải nước thải đen ngòm xuống vịnh nhiều năm nay chưa được khắc phục. Xa hơn một chút nữa, nhà nổi kiêm nhà hàng hải sản Jumbo Đại Dương như một khách sạn nổi 3 tầng sừng sững ven bờ vịnh, hàng ngày đón hàng nghìn thực khách, ăn uống và xả luôn nước thải, chất thải sinh hoạt xuống biển. Cách đây ít lâu, khu vực này có hai nhà hàng nổi, nay chỉ còn một. Dư luận đã nhiều lần kiến nghị phải xử lý, chấm dứt hoạt động để bảo vệ vẻ đẹp của Vịnh nhưng không hiểu sao nhà hàng này cứ trơ gan cùng tuế nguyệt.
Chưa hết, bên bờ vịnh, phía Đông khu đô thị Cột 5 cột 8 mở rộng, hiện đang mọc lên công trình cửa hàng xăng dầu do Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Vân Đồn Đ&T. Công trình này ngang nhiên đóng cừ và kè lấn biển, đổ đất cát xuống biển hàng trăm m2 để làm cây xăng. Nhìn mặt nước trong xanh như ngọc đang bị những cừ bê tông đâm xuống, chúng tôi không khỏi xót xa đặt câu hỏi: Tổ chức và cá nhân nào cấp phép cho một công trình bất chấp pháp luật và dư luận như thế này?
Nực cười hơn, cách “cây xăng lấn biển” này vài trăm mét, một căn nhà như lều vịt được xây trên mỏm đất phía ngoài vịnh nhìn rất nhếch nhác mà không ai ngăn chặn, xử lý.
Chỉ một ngày đi dọc vịnh Hạ Long, chưa đi hết nhưng những điều trông thấy không khỏi khiến chúng tôi đau đớn lòng bởi di sản thiên nhiên thế giới đang bị xâm hại không thương tiếc.
Không khắc phục, rất có thể bị xóa tên
Bất chấp những khuyến nghị đó, những sai phạm gần đây diễn ra cả về vĩ mô và vi mô. Trong khi Vịnh Hạ Long vẫn chưa thoát khỏi danh sách khuyến nghị của UNESCO, năm ngoái Tập đoàn Tuần Châu tiếp tục đề xuất với tỉnh Quảng Ninh về phương án điều chỉnh lấn thêm 400 ha mặt nước trong quy hoạch khu du lịch – giải trí quốc tế Tuần Châu. Nhiều dự án xẻ núi làm đường hay xây bất động sản, lấn vịnh ở Hạ Long, Bãi Cháy khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng tỉnh Quảng Ninh đang quá chiều lòng các nhà đầu tư, quá chạy theo các dự án đô thị lớn mà quên mất việc phải bảo tồn, gìn giữ di sản?
KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội khẳng định: Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới, là di sản, có thể được coi là báu vật vô giá của quốc gia. Vậy muốn xây dựng đã xin ý kiến của UNESCO hay chưa? Vì khi đã được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, thì phải có đề xuất, phải được tổ chức quốc tế thông qua…
Theo KTS Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam từng nêu ý kiến: Chúng ta hãy tôn trọng thiên nhiên, đừng can thiệp để có được lợi ích cho một nhóm người nào đó. Chắc không có nơi nào mang đất đá đổ vào khu di sản thiên nhiên thế giới như ở Việt Nam. Hiện nay chúng ta đang khai thác di sản theo kiểu tận thu mà quên mất việc bảo tồn, gìn giữ. Với thực trạng xẻ thịt di sản, ngay cả giới kiến trúc của Quảng Ninh cũng đưa ra những cảnh báo, nhưng vì mục đích kinh tế lớn hơn, nên chủ đầu tư vẫn cứ làm.
Có lẽ tỉnh Quảng Ninh đã quên mất rằng chính nhờ giá trị của di sản này mà Quảng Ninh phát triển kinh tế, du lịch và cất cánh. Nhưng đối chiếu với các khuyến nghị trên, có rất nhiều dự án thời gian qua đã bất chấp các khuyến nghị và các pháp luật.
Tôi chợt nhớ tới lời KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích: Khả năng bị “tước danh hiệu” hoàn toàn có thể xảy ra đối với bất cứ di sản thế giới nào. Các di sản “có vấn đề” sẽ được khuyến nghị (như đã xảy ra với Cố đô Huế và Vịnh Hạ Long), ở mức độ nặng hơn hoặc khuyến nghị kéo dài mà tình hình vẫn xấu đi thì sẽ bị đưa vào Danh sách Di sản thế giới trong tình trạng nguy hiểm (List of World Heritage in Danger) và cuối cùng nếu không khắc phục được thì sẽ bị xóa tên khỏi Danh sách Di sản thế giới.
Xin gửi những thông điệp ấy về các nhà đầu tư có công trình, dự án và UBND tỉnh Quảng Ninh.
Dưới đây là một số hình ảnh về di sản bị xâm hại:
Tập đoàn Bim tiếp tục đổ đất lấn biển
Tập đoàn Bim xây dựng kè và hào bên bờ biển
Một tập đoàn đổ cả rác thải, chất thải lấn biển
Chặn luôn một đoạn biển, biến biển thành "ao nhà"
Lấp, lấn biển để xây dựng khách sạn, xâm hại cả núi và dự án nhạc nước
Nhà hàng nổi bên bờ Vịnh xả nước thải xuống biển
Lấp cả biển để làm...cây xăng
Quang Nam
Nguồn: http://congly.vn/moi-truong-suc-khoe/thuc-hien-khuyen-nghi-cua-unesco-ve-bao-ton-di-san-thien-nhien-the-gioi-van-ngon-ngang-sai-pham-ben-bo-vinh-ha-long-211364.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét