(Kiemsat.vn) – Mất an toàn lao động; đơn vị thi công vi phạm các quy định về ATLĐ là những nguyên nhân dẫn đến số lượng các trường hợp tai nạn lao động có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua.
Phớt lờ pháp luật
Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra nhiều tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng như công trình nhà ở số 53-55 Nhân Hoà, Chung cư Mỹ Sơn Tower (62 Nguyễn Huy Tưởng), Dự án Imperia Garden (tại 203 Nguyễn Huy Tưởng… Thậm chí, từ những sự cố gây chết người, báo chí đã phát hiện nhiều sai phạm, thi công thiếu an toàn tại Dự án Golden West (Lê Văn Thiêm), Dự án Five Star Garden (số 02 Kim Giang) và Dự án GoldSeason (47 Nguyễn Tuân) gây lún nứt nhà dân, nứt trụ sở làm việc của UBND phường Thanh Xuân Trung…
Điển hình, Dự án Imperia Garden (tại 203 Nguyễn Huy Tưởng) do Cty CP HBI làm chủ đầu tư và Cty CP XD & KD địa ốc Hoà Bình (có trụ sở chính tại Quận 3, TP Hồ Chí Minh) làm tổng thầu đã làm hư hại công trình nhà ở của khu dân cư lân cận và để xảy ra tai nạn lao động, khiến 01 người tử vong. Đó là trường hợp ông Nguyễn Văn P. (sn 1986, quê ở Bắc Ninh) là công nhân bê tông cốp pha, khi đang di chuyển dưới chân công trình (gần khu vực phía ngoài toà nhà 35 tầng, Block A, phía Đông công trình) thì bất ngờ bị một thanh thép hộp từ trên cao rơi xuống trúng đầu, dẫn đến tử vong. Điều đáng nói, trước khi xảy ra tai nạn, ông P chưa được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động theo quy định.
Những hình ảnh phóng viên trực tiếp ghi nhận tại công trường Dự án Imperia Garden (203 Nguyễn Huy Tưởng) những ngày tháng 05/2017 cho thấy, việc thực hiện quy định an toàn trong lao động tại đây hết sức lỏng lẻo: Nhiều công nhân không sử dụng đồ bảo hộ lao động hoặc sử dụng không đúng quy định, đặc biệt là người lao động làm việc trên công trường có độ cao.
Theo báo cáo của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị này đã kiểm tra và xử phạt 18 dự án có hành vi vi phạm trong lĩnh vực đảm bảo ATLĐ, VSMT và ban hành 18 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt là 260.000.000 đồng. Chỉ tính riêng tháng 03 và tháng 04/2017, trong tổng số 1.113 công trình được kiểm tra, Thanh tra Sở XDHN đã phát hiện và ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với 27 dự án vi phạm, tổng số tiền xử phạt là hơn 84 triệu đồng.
Tổng thầu xây dựng bộc lộ nhiều vi phạm!?
Trước những vấn đề bất cập về công tác an toàn lao động tai các công trình xây dựng cao tầng, ông Bạch Quốc Việt – Trưởng phòng An toàn lao động (Sở LĐTB&XH Hà Nội), cho biết: “Đối với doanh nghiệp Hoà Bình, Đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra hàng năm, đặc biệt là những tháng cao điểm về ATLĐ. Qua công tác kiểm tra tại Dự án Hải Đăng City (HD Mon City, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) do doanh nghiệp Hoà Bình làm tổng thầu xây dựng đã bộc lộ một số tồn tại như vấn đề không khai báo một số thiết bị chịu cường lực với Sở LĐTB&XH và thiếu biển cảnh báo, biển chỉ dẫn tại công trình; vi phạm an toàn điện; không có lối đi dành riêng cho công nhân trong công trường; công tác đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ đối với công nhân còn buông lỏng, trong đó sử dụng số lượng lớn nguồn lao động thời vụ ngắn hạn…”.
Cũng theo ông Việt, thời điểm kiểm tra năm 2016 tại dự án HD Mon City, doanh nghiệp Hoà Bình đang sử dụng 250 lao động thì mới huấn luyện công tác ATVSLĐ đối với đội ngũ cán bộ kỹ thuật làm trên công trường, còn đội ngũ hợp đồng thời vụ ngắn hạn khoảng 220 người chưa được huấn luyện công tác ATVSLĐ và mới chỉ dừng lại ở mức độ phổ biến…”. Như vậy, chỉ 30/250 lao động được cấp chứng chỉ huấn luyện ATVSLĐ, là một trong những nhà thầu lớn nhất nhì Việt Nam, phải chăng Cty XD&KD Địa ốc Hoà Bình đang cố tình lách luật!?
Thực tế, qua công tác kiểm tra cho thấy, trình độ lao động đối với đối tượng lao động thời vụ ngắn hạn là rất thấp, thậm chí có nhiều lao động không biết chữ; ý thức tổ chức kỷ luật kém và việc chấp hành, thực hiện những quy định về công tác ATVSLĐ cũng rất lỏng lẻo… mà qua công tác theo dõi, các vụ tai nạn lao động chủ yếu xảy ra với những đối tượng này.
Trao đổi với chúng tôi, BS Nguyễn Thị Hiền – Trung tâm Y tế Dự phòng (Sở Y tế Hà Nội) thông tin: “Qua công tác phối kết hợp kiểm tra công tác quản lý vệ sinh lao động, sức khoẻ người lao động và bệnh nghề nghiệp tại các công trình xây dựng cao tầng đóng trên địa bàn Thành phố, trong đó là công tác tập huấn, hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu đối với các nhà thầu còn hạn chế, trên thực tế thì các dự án không chủ động liên hệ với các đơn vị y tế để phối kết hợp tổ chức thực hiện tập huấn sơ cấp cứu ban đầu…”.
Theo hướng dẫn của Thông tư 27/2013 của Bộ LĐTB&XH và Luật an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2015 thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm ATVSLĐ.
Phải chăng chế tài xử phạt vi phạm các Dự án chung cư nêu trên còn quá nhẹ so với lợi nhuận thu lại và chưa đủ sức răn đe? Và trách nhiệm của các nhà thầu đến đâu trong số các vụ tai nạn lao động liên tiếp xảy ra trong thời gian qua? Có lẽ, các cơ quan liên ngành cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các dự án xây dựng cao tầng và có chế tài xử phạt tương xứng với từng mức độ vi phạm, đặc biệt là trong những Tháng hành động về An toàn lao động, như ông Bạch Quốc Việt đã nhấn mạng: “Vấn để xử lý các vụ tai nạn lao động gây tử vong cần phải nghiêm minh hơn và những vụ tai nạn lao động chết người cũng cần phải xem xét xử lý dưới góc độ hình sự đối với người sử dụng lao động”.
(Còn tiếp)
Điều 227 – BLHS: Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người:
1- Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.
4- Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
5- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Loan Bảo
Nguồn: http://www.kiemsat.vn/ha-noi-bao-dong-tinh-trang-vi-pham-quy-dinh-atld-tai-nhieu-du-chung-cu.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét