THƯƠNG TRƯỜNG Theo phản ánh, tại Dự án Khu nhà ở phía Đông hồ Nghĩa Đô, hay còn gọi là dự án “căn hộ đế vương” (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), một số gói thầu không có đủ kiến trúc sư, kỹ sư chuyên ngành phù hợp với loại công trình thi công xây dựng. Tại gói thầu thi công cọc Barrette đại trà và tường vây, chủ đầu tư đã khởi công xây dựng trước khi có giấy phép xây dựng hơn một năm....
Với mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, do Công ty Katsuki Archidesign Inc của Nhật Bản thiết kế với kiến trúc mang phong cách tân cổ điển của Pháp thời phục hưng, lấy ý tưởng từ cung điện Versailles. Đây là dự án căn hộ siêu sang đầu tiên ra mắt thị trường trong năm 2012, với giá dự kiến khoảng 13 tỷ đồng trên một căn hộ có diện tích 120,9m2 đến 48,6 tỷ đồng trên một căn hộ có diện tích 486m2, tương đương khoảng trên 100 triệu đồng/m2.
Một dự án vướng mắc nhiều vấn đề
Dự án “căn hộ đế vương” được chủ đầu tư là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Công ty Tân Hoàng Minh) giới thiệu là nơi hội tụ những giá trị vàng của một dự án bất động sản cao cấp: Vị trí chiến lược với tầm nhìn rộng lớn, thiết kế đặc trưng từ kiến trúc sư danh tiếng, nội thất cao cấp được chế tạo tinh xảo và tiện nghi ưu việt.
Nhưng theo thông tin phản ánh thì dự án này đang mắc hàng loạt sai phạm như: “Tại một số gói thầu không có đủ kiến trúc sư, kỹ sư chuyên ngành phù hợp với loại công trình thi công xây dựng. Tại gói thầu thi công cọc Barrette đại trà và tường vây, chủ đầu tư đã khởi công xây dựng trước khi có giấy phép xây dựng hơn một năm (ngày 8/102010 mới được cấp giấy phép nhưng chủ đầu tư đã cho khởi công từ ngày 16/9/2009). Về nghiệm thu, thanh toán khối lượng tại gói thầu thiết kế, quản lý dự án và giám sát thi công do Công ty TNHH tư vấn xây dựng Meinhardt (Việt Nam) thực hiện. Công ty này đã thực hiện dang dở hợp đồng; không thực hiện công tác quản lý dự án và giám sát thi công công trình nên giảm giá trị hợp đồng là 910.000USD…”.
Trao đổi về vấn đề này, Bà Bùi Thị Thu Nga, chuyên viên Phòng Tổng hợp (Thanh tra Bộ Xây dựng) xác nhận: Ngày 30/6/2017, Bộ Xây dựng đã ban hành Kết luận số 298/KL-TTr, chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án “căn hộ đế vương”. Cụ thể: “Về công tác quản lý chất lượng, một số cá nhân chưa đủ điều kiện năng lực hành nghề xây dựng, kinh nghiệm trong hoạt động xây dựng; một số gói thầu thi công, biên bản nghiệm thu công việc căn cứ tiêu chuẩn xây dựng đã hết hiệu lực; thiếu một số kết quả thí nghiệm theo quy định hoặc phiếu kết quả thí nghiệm lập không đúng theo quy định; hồ sơ quản lý chất lượng không có biên bản nghiệm thu thiết bị thi công, biên bản kiểm tra phòng thí nghiệm; không có giấy kiểm định thiết bị phục vụ thi công; 8 nhà thầu thi công không mua bảo hiểm theo cam kết hợp đồng…”.
Với các vi phạm trong hoạt động xây dựng tại dự án “căn hộ đế vương”, Thanh tra Bộ Xây dựng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư và các nhà thầu tại dự án theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Nhưng xử lý như thế nào thì bà Bùi Thị Thu Nga từ chối cung cấp, với lý do “Tôi không nắm rõ và cấp trên chưa chỉ đạo”. Trước câu hỏi của phóng viên “Tại dự án này, chủ đầu tư đã nghiệm thu sai hơn 5 tỷ đồng?”, ông Dương Thành Phố, Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định: “Sai thì phải xử lý, nhưng thực ra không có gì lớn. Năng lực yếu thì chấn chỉnh, đưa hoạt động vào nề nếp. Chúng tôi làm hết sức nghiêm túc. Vì dự án này có vốn đầu tư tư nhân, mà vốn tư nhân thì chủ yếu vay từ ngân hàng”.
Trả lời báo chí, đại diện Công ty Tân Hoàng Minh cho rằng: “Dự án này có tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng, nên việc nghiệm thu sai hơn 5 tỷ đồng là bình thường”. Trước câu trả lời thiếu trách nhiệm về những sai phạm nói trên như vậy đã khiến nhiều nhà đầu tư, dư luận lo ngại về chất lượng công trình liệu có bảo đảm?
Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng): “Muốn công trình bảo đảm chất lượng thì có 3 nội dung phải quản lý chặt ngay từ đầu. Thứ nhất là quản lý năng lực người làm. Thứ hai là kiểm soát vật liệu đầu vào, nếu không làm tốt rất dễ dẫn tới việc vật liệu đầu vào kém phẩm cấp. Thứ ba là kiểm soát từng bước làm ra sản phẩm, tất cả đều phải được đánh giá và nghiệm thu”. Nhưng theo như lời bà Bùi Thị Thu Nga thì ở dự án này, cả 3 nội dung nói trên đều có thiếu sót.
Kết luận thanh tra chưa được công khai
Nhiều lần phóng viên tới Bộ Xây dựng nhằm tìm kiếm những thông tin liên quan đến kết luận thanh tra, nhưng đều bị từ chối không cung cấp. Một cán bộ Thanh tra viện dẫn khó khăn, cho rằng: “Đây là việc cá nhân, lôi vào không hay đâu”, “Chúng tôi sẽ công khai kết luận khi nào có yêu cầu của... Thủ tướng”. Còn bà Nguyễn Bích Ngọc, nhân viên Phòng Thông tin truyền thông (Văn phòng Bộ Xây dựng) thì lòng vòng cho biết: “Văn phòng đang bàn với Thanh tra Bộ…(!?)”.
Trong khi đó mới đây, tại Hội Nghị báo cáo việc thực hiện công khai kết luận thanh tra được tổ chức tại Hà Nội, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: “Về nguyên tắc, nếu báo chí yêu cầu cung cấp các kết luận thanh tra thì Bộ, hoặc cơ quan thanh tra sẽ cung cấp”. Không rõ dự án "căn hộ đế vương” của Tân Hoàng Minh có gì “bí mật” và uẩn khúc mà việc công khai thông tin thanh tra lại được bao bọc kín bưng?
PV
Nguồn: http://m.thuongtruong.com.vn/ket-luan-thanh-tra-bi-giau-vao-ngan-tu-3961.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét