Khó nhất là “chạy đua” với thời gian Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật công nghiệp cách đây 5 năm, song Đồng Nguyên Anh đến với môi trường báo chí lại cách đây chưa lâu. Nguyên nhân cũng vì… infographic mà ra! Hiểu một cách đơn giản, infographic là sản phẩm được tạo ra từ thông tin và hình ảnh đồ họa, và thể hiện được ở bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống xã hội, đặc biệt là tạo hiệu ứng cao khi xâu chuỗi một quá trình sự việc (những vụ việc dài kỳ, bí hiểm), hoặc những sự kiện nóng, được dư luận quan tâm. Như vậy, thay vì đọc một bài báo chi chít con chữ và chỉ vài hình ảnh minh họa, độc giả sẽ cảm thấy thú vị hơn nhiều, trực quan sinh động hơn khi thông tin mang tính thắt nút và được gợi mở bằng các hình ảnh xâu chuỗi.
Gặp chàng trai trẻ tuổi, phong thái năng động và có phần… lãng tử Đồng Nguyên Anh, anh bắt “sóng” câu chuyện với tôi rất nhanh khi nói đến mối duyên của mình với nghề báo: “Infographic là xu hướng mới được ứng dụng ở Việt Nam trong mấy năm trở lại đây và dần trở thành xu hướng “hot”, đặc biệt khi marketing online đang bùng nổ bởi chi phí rẻ, hiệu quả cao, có thể tiếp cận với tập khách hàng qua nhiều kênh khác nhau như mạng xã hội hoặc các ấn phẩm quảng cáo. Riêng báo chí ở Việt Nam thì trước tôi, hầu như chưa có ai áp dụng hình thức này để đưa lên mặt báo!”.
Rất tình cờ, sau khi có ý tưởng áp dụng xu hướng này trong báo chí, ông Thang Đức Thắng - TBT VnExpress quyết định “săn đầu người”. Và Nguyên Anh đã ngay lập tức nộp đơn vào tờ báo này để thử sức, mặc dù đang có công việc rất ổn định trong ngành quảng cáo.
“Tại sao bạn quyết định thay đổi, phải chăng vì… tò mò, khi mà gần như chưa có sản phẩm infographic chính thống nào trên mặt báo lúc đó?” - tôi hỏi. Trầm ngâm một hồi, Nguyên Anh cho biết, đó cũng là một phần lý do, nhưng cái lớn nhất lại không phải điều đó, mà là vì anh muốn thử sức với chính mình: “Chưa bao giờ dễ dàng để tạo ra một sản phẩm báo chí hay, được độc giả đón nhận. Với thể loại đòi hỏi có sự tổng hợp cao như infographic thì càng khó hơn, vì ngoài tư duy hình ảnh còn phải có tư duy báo chí sắc bén. Và tôi quyết định thử thách với chính mình!”.
Anh nhớ rất rõ “đầu bài” đầu tiên được tòa soạn giao cho mình là xâu chuỗi vụ án trốn nã của Dương Chí Dũng. Gần như là một cuộc chạy đua với thời gian bắt đầu khi chỉ có hai ngày để hoàn thành tác phẩm với yêu cầu đặt ra là phải giải quyết tất cả các vấn đề, mắt xích của vụ án này chỉ trong một tác phẩm. Khi đó, anh cùng với phóng viên Tiến Dũng - người phụ trách nội dung cùng nhau lên ý tưởng, chọn những tình tiết đắt giá, thể hiện những hình ảnh đồ hoạ độc đáo, trực quan...
Và cuối cùng, tác phẩm trình làng trong sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp lẫn sự thích thú của độc giả. Một số báo bạn là báo mạng bất ngờ, trong khi nhiều tờ báo giấy đã sử dụng lại để dùng cho trang nhất. Không chỉ dừng ở đó, sản phẩm đầu tay này còn được nhiều lượt chia sẻ trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter. Ngoài sản phẩm này, Nguyên Anh còn nhận được nhiều khen ngợi từ các sản phẩm về vụ MH370 hay tổng hợp các điểm nhấn sự kiện World Cup 2014…

1 sản phẩm infographic của Nguyên Anh
“Phải là câu chuyện hay!”
Tuy nhiên, công việc với Nguyên Anh không phải lúc nào cũng thuận lợi, đặc biệt là thời điểm đó anh không có nhiều đồng nghiệp cùng làm lĩnh vực như mình để chia sẻ kinh nghiệm. Và dĩ nhiên, không phải sản phẩm nào cũng suôn sẻ, không phải độc giả nào cũng dễ tính. “Tôi đã từng có sản phẩm gặp phải độc giả khá... khó tính nên vô tình tạo ra hiểu lầm. Đó là khi tôi làm một bản infographic để so sánh hai “đại gia” trong đó sử dụng hình ảnh ống nhòm với dụng ý muốn “zoom” vào hai nhân vật đó. Tuy nhiên khi thể hiện hình ảnh thì nhiều độc giả cho rằng hình ảnh này giống... chiếc còng số 8 hơn, phải chăng tác giả có “ý đồ” gì?”. Đành vội vàng sửa ngay!” - anh chia sẻ một kỷ niệm vui.
Thừa nhận làm infographic rất kén độc giả, Nguyên Anh luôn xác định rõ quan điểm trước khi bắt tay vào công việc: Mỗi sản phẩm phải là một câu chuyện hay. Cái “hay” đó là gì? Anh cho biết: “Trước hết phải là thông tin đắt giá, đặc biệt với những sự kiện dài ngày, bí hiểm, là thông tin riêng của báo mình. Thứ hai phải là thông tin ít người biết đến. Chỉ cần một chi tiết mới thì hiệu ứng sẽ rất cao, nếu không muốn nói đó là điểm nhấn của cả bài”.
Với đồ họa, anh cũng đặt ra những quy tắc nhất định để lựa chọn không quá bay bổng khó hiểu hoặc không xa rời thực tế. “Độc giả sẽ là “trọng tài” khách quan nhất. Có rất nhiều độc giả phản hồi tốt, giúp tôi chỉnh sửa ngay các chi tiết và hoàn thiện tác phẩm. Tôi phải cảm ơn họ rất nhiều vì nhờ đó mới giúp tôi làm tốt hơn công việc của mình!” - anh khẳng định.
Hiện tại, không chỉ các tờ báo mạng chính thống mà ngay cả các tờ báo giấy cũng bắt đầu khai thác infographic như một điểm nhấn nhá cho mỗi sự kiện được dư luận quan tâm, ở mọi lĩnh vực khác nhau. Tuy vậy, vì bắt tay vào làm chưa lâu nên hầu như chưa có nhiều đồ họa viên có kinh nghiệm để tạo ra môi trường học hỏi và cạnh tranh. Đây là một trong những khó khăn đối với Nguyên Anh. Tuy vậy, sáng tạo đối với chàng trai trẻ này là không ngừng nghỉ. “Với một lĩnh vực luôn mới từng ngày như báo chí thì càng đòi hỏi công việc này sự sáng tạo, nhạy bén liên tục. Infographic ở Việt Nam vẫn là những bước chập chững, là bước khởi đầu. Vì thế, với tôi còn rất nhiều việc phải làm!” - Nguyên Anh chia sẻ.
Đồng Nguyên Anh sinh năm 1985, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, khoa Đồ họa vào năm 2009. Anh có hai năm làm việc tại VTC, sau đó có một thời gian công tác ngắn tại báo điện tử VnExpress và hiện làm việc tại báo điện tử Tri thức trực tuyến (Zing.vn).