In Báo chí Điều tra Phóng sự

NHÀ BÁO DÙNG CÁI ĐẦU ĐỂ LÀM GÌ? (2)

THIẾT LẬP KÊNH PHẢN HỒI

  • Một bài báo viết ra, không có phản hồi, là bài báo vô tác dụng
  • Một bài báo viết ra, có phản hồi nhưng tác giả hoặc tòa soạn không nắm được, là tác giả và tòa soạn kém.

Chắc không phải riêng mình mà nhiều anh chị làm tòa soạn khác cũng từng nhiều lần tức điên khi dồn sức làm một bài đình đám, nhưng đến khi có phản hồi tích cực thì báo khác đăng mất. Viết về một vụ sai phạm, tới chừng khởi tố thì báo bạn đăng, còn phóng viên tác giả bài báo thì không hay biết.

Phản hồi, phải hiểu là một tổng thể các thông tin bao gồm những dư luận, phản ứng của người liên quan, động thái xử lý của cơ quan chức năng, những hoạt động chỉ đạo điều hành liên quan đến nội dung bài báo ấy. Rất tiếc, hiện nay nhiều phóng viên chỉ coi “phản hồi” là việc nhận văn bản trả lời của cơ quan liên quan (sau khi họ đã bàn bạc, gia giảm, đối phó và cân nhắc từng chữ). Nhiều bạn quên rằng việc bám sát và thúc đẩy những động thái tích cực của cơ quan chức năng mới tạo ra thay đổi thật sự sau bài báo, mới là mục đích mà nhà báo cần hướng tới.

Năm 1997, nhà báo Hoàng Hùng (sau qua báo Người Lao Động, đã qua đời) viết một loạt bài về tiêu cực của một nhóm CSGT Đường thủy trên sông Tiền. Tòa soạn giao mình đi hỗ trợ. Hai anh em phân công nhau anh Hùng viết chuyện tiêu cực dưới sông, mình viết về động thái xử lý của công an Tiền Giang sau bài báo. Công an mà họp xử lý cán bộ thì kín như bưng. Mình mới ra trường, chả quen ai, lân la ba ngày nghĩ cách moi tin không được, bèn đi gặp người quen là luật sư L ở Mỹ Tho rủ uống bia. Anh L nói chiều tớ đi nhậu với Hùng liều- một đại gia nuôi tôm ở Vàm Láng và mấy đối tác làm ăn của ông ấy.

Trại tôm của Hùng liều liên kết làm chung với phòng hậu cần công an tỉnh, chắc cuộc nhậu phải có vài ông cán bộ cấp lãnh đạo phòng. Minh đu đeo theo nhậu ké. Trong cuộc nhậu,có người nhắc đến bài báo của Hoàng Hùng. Ông X nói: “Ông Tư Bốn đang đi Hà Nội nhận cờ luân lưu của chính phủ, ổng gọi về chửi trưởng phòng PC25 (phiên hiệu của CSGT đường thủy) như con. Ổng nói nội trong tuần, PV24 (thanh tra công an tỉnh) phải làm rõ và sẽ cho mấy tay bị báo viết đi chăn bò hết”.

Kiểm tra chéo các nguồn xong, mình làm cái tin: “Giám đốc CA Tiền Giang chỉ đạo xử lý nghiêm”, Hoàng Hùng sướng lắm. Mấy hôm sau, thêm cái tin: 5 CSGT bị kỷ luật, chuyển về phòng hậu cần, trong tin nói rõ là đi nuôi bò ở trại chăn nuôi của phòng hậu cần ở Long Thành, Đồng Nai. Ông Hai Bài (Đại tá Võ tấn Bài, PGĐ Công an tỉnh) sau này có lần hỏi mình sao cái gì mày cũng biết vậy? Mình nói thì mấy anh cung cấp chớ ai.

Hồi đó, mình viết một loạt bài về án oan. Bài đầu viết một người xích tay vào cổng nhà ông Trịnh Hồng Dương và ra điều kiện chỉ mở xích khi Chánh án đọc đơn kêu oan của anh ấy. Nộp một tuyến 5 bài, chờ mãi hông thấy đăng, hỏi anh Chương Tổng TKTS, ổng nói ông Nam Đồng bảo từ từ. Mình hơi sốt ruột. Ông Nam Đồng nói bài này phản hồi chắc luôn. Mà chắc thiệt. Buổi sáng quốc hội chất vấn các cơ quan tố tụng, tòa soạn cho đăng. Trước đó báo trước nên mình liên hệ trước với vụ Thông tin – Thư viện VP Quốc hội đề nghị tặng 200 tờ báo cho đại biểu. Vào buổi chất vấn, mỗi ông cầm trên tay một tờ báo. Cái tựa bài chiếm nửa trang nhất. Bài báo sau đó biến thành tư liệu để các đại biểu chất vấn Chánh án TAND TC về việc giải quyết khiếu nại xin giám đốc thẩm.




Họp giao ban, mình hay hỏi các phóng viên an ninh trật tự thân quen ai ở PV.11 (văn phòng công an tỉnh, thành) và khá thất vọng khi đa số trả lời "Em không quen ai ở đó!". Thật sự PV.11 là một cái mỏ vàng, tất cả những thông tin phản hồi liên quan đến hoạt động nghiệp vụ, kết quả phá án và xây dựng lực lượng CAND đều qua cửa này, nhưng các bạn phóng viên thường chỉ chú ý đến các phòng nghiệp vụ.

Mình nhớ hồi đó ở Hà Nội có hẳn một nhóm phóng viên làm gì thì làm, đầu buổi sáng và cuối buổi chiều đều ghé qua Trung tâm Thông tin- Báo chí của Bộ CA ở 20 Phan Bội Châu (bên cạnh chùa Quán Sứ). Trò chuyện qua lại, rất nhiều những đề tài thu thập được từ đó, và tác động hay thu nhận những phản hồi nhanh nhất cũng từ đó. Chân thành và cầu thị, họ quý đến nỗi có lần các anh chị ở đó còn tổ chức một bữa tiệc sinh nhật ở quán bia hơi cho PV Bình An. Không biết bây giờ cái Trung tâm ấy còn không, những nguồn tin và bạn bia hơi một thời của mình với Đào Tuấn và Phạm Hiếu.

Lái xe, trợ lý của các sếp lớn đều có thể có những thông tin quý để từ đó nhà báo đón đầu thông tin phản hồi và thúc đẩy xử lý. Sẽ rất khó khăn nếu nhà báo alo cho một sếp lớn để hỏi: “Đề nghị anh cho biết vụ việc ABCD đã giải quyết tới đâu? Thông thường họ sẽ khất và bảo chờ. Nhưng nếu nắm được một phần thông tin, bạn có thể hỏi: “Về chuyện đó, bữa anh có chỉ đạo như thế, hiện nay cái văn bản chỉ đạo anh ký chưa?”. Câu hỏi sau sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Nhiều năm làm phóng viên, mình nghiệm ra một điều: Đừng đặt câu hỏi với ai khi bạn không có “vốn đối ứng” về thông tin, chỉ tay trắng và đầu rỗng. Khi bạn có một chút vốn thông tin, họ sẽ nể bạn hơn và có cảm giác đang được chia sẻ. Còn ngược lại, họ vừa cảnh giác nghi ngờ vừa có cảm giác bị nhà báo làm phiền! Nhiều lần thế họ né bạn luôn cho khỏe!

Kỳ sau:
ĐIỀU TRA NHẬP VAI
  • Nhập vai là việc cải trang, hóa thân thành một nhân vật và thân phận khác nhằm xâm nhập, thu thập tư liệu cho một đề tài báo chí. Nó được dùng chủ yếu cho các phóng sự điều tra xã hội hoặc điều tra chống tiêu cực
Nguồn: Facebook Đức Hiển

Related Articles

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.

Danh mục

Ads 468x60px

Party Photography

Female Photography

Tổng số lượt xem trang

Lưu trữ Blog

Find Us On Facebook

Latest Posts

International

Featured Video

Pages

Vertical2

Sample Text

Search


.

.

.

.

.

Banner4

Banner4

Càng biết nhiều càng khổ.

Càng biết nhiều càng khổ.
Một câu niệm Phật, tiêu vạn tội. Hai chữ Từ bi, giải vạn sầu....

Business

Nhãn

Translate

Advertisement

Fun & Fashion

Social Media

Join with us

Popular Posts

POPULAR POSTS