In Đời sống xã hội

Đào nương trước tuổi trăng tròn

TTXuân - Trong cấu trúc tam giác độc đáo của ca trù, nghệ thuật uyên bác nhất của nhạc thính phòng Việt cổ, gồm bộ ba: nhạc sĩ đàn đáy, trống chầu và đào nương hát thì ngôi cao nhất là đào nương. Vì thế ca trù còn mang tên nghệ thuật hát ả đào.
Kiều Anh - ca nương nhỏ tuổi của dòng tộc Nguyễn - Thái Hà - Ảnh: Việt Thanh
Dòng tộc ca trù (từ trái sang) Nguyễn Văn Mùi (trống), Nguyễn Thúy Hòa (đào nương), Nguyễn Văn Khuê (đàn đáy) - Ảnh: Việt Thanh
Nguyễn Thúy Hòa - đào nương chân truyền của NSND Quách Thị Hồ  - Ảnh: Việt Thanh
Cha Nguyễn Văn Khuê và con ca nương Kiều Anh (soi kính - ảnh dưới) - Ảnh: Việt Thanh
NSND Quách Thị Hồ - Ảnh: tư liệu
Bà Phán Chí Nguyễn Thị Tuyết - cô tổ ca trù của dòng tộc Nguyễn - Thái Hà - Ảnh: tư liệu gia đình cung cấp
Ca trù từng mãn khai và chín mọng từ lâu, nhưng số phận lại đa đoan như nàng Kiều của Nguyễn Du. Chỉ đến khi được UNESCO “chiêu tuyết” năm 2009, ca trù Việt mới được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, “cần được bảo vệ khẩn cấp”. Và nhân vật ca nương mới xanh trở lại, được treo cao giá ngọc, trở thành nhân vật văn hóa đặc sắc nhất của nghệ thuật ca trù Việt, làm nên dòng chảy tươi thắm mãi theo thời gian…
Báu vật sống của ca trù Việt
Ca trù được trao truyền, lưu giữ hồn vía nghệ thuật trong không gian văn hóa châu thổ Bắc bộ cho đến giờ là nhờ những nghệ nhân “báu vật” như Quách Thị Hồ. Lần đầu thế giới biết đến ca trù cũng là qua tiếng hát Quách Thị Hồ. Nhưng trước khi được ngưỡng mộ như “báu vật sống” của ca trù, bà Hồ từng điêu đứng vì tiếng hát của mình.
Kinh thành cổ Thăng Long, nơi gốc gác ca trù, qua biến thiên lịch sử ngàn năm từng có thái độ lưỡng cực với ca trù. Người Thăng Long từng nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, đưa ca trù lên nghệ thuật đỉnh cao với sinh hoạt thính phòng tao nhã bậc nhất, chỉ được hát trong dinh thự và cung cấm.
Song, liền kề vinh danh ấy, ca trù, ca nương bị khinh khi, hắt hủi. Bà Hồ kể vào những ngày dâu bể “bị vục mặt xuống bùn” ấy, bà bất chấp sự đời để giữ bằng được ca trù, vẫn thánh thót ngân nga, run rẩy những hồng hồng tuyết tuyết, những bến Tầm Dương canh khuya đưa khách/Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu… Bà trải qua nỗi khổ vô bờ của đào nương bậc nhất Hà thành, trước 1945, phải nghẹn ngào “đào sâu chôn chặt” nghề hát, bị thiên hạ nhiếc móc gọi là cô đầu lầu xanh.
Nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Xuân Diện giờ vẫn xót thương đặt tên tiếng hát bà Hồ: “Sênh phách giọng sầu gửi bóng mây”. Chỉ duy nhất bà Hồ dám nhận mình là ả đào, muốn đeo trước ngực tấm biển “tôi là ả đào”, cả đời thủy chung với nghề tổ. Bà cũng là ca nương duy nhất biết quấn dính nghệ thuật hát ả đào lộng lẫy, lậm thật sâu vào hồn cốt văn chương Việt qua “bóng chữ” của các tác phẩm thơ kinh điển.
Năm 30 tuổi, là ca nương lừng lẫy tiếng tăm, bà duy nhất được tình tri âm từ thi sĩ Trần Huyền Trân, kiểu Bá Nha - Tử Kỳ, chỉ riêng có ở ca trù: thi sĩ viết chữ thơ thẳm sâu hồn vía trong giai phẩm thơ và đào nương nhả chữ thơ lấp lánh bằng thể phách ca trù có một không hai. Từ ấy, Quách Thị Hồ thành nghệ sĩ ca trù lớn nhất ở Việt Nam thế kỷ 20.
Một tri kỷ nữa là GS Trần Văn Khê, từ Pháp về Hà Nội năm 1976, đến Khâm Thiên ghi âm tiếng hát bà Hồ giới thiệu với thế giới. Năm 1978, Hội đồng âm nhạc quốc tế của UNESCO và Viện Nghiên cứu quốc tế về âm nhạc so sánh trao bằng danh dự cho Quách Thị Hồ vì công lao đặc biệt trong bảo tồn một bộ môn âm nhạc truyền thống Việt có giá trị văn hóa cao, để từ đó tiếng hát ca trù độc đáo của bà Hồ tỏa lan khắp thế giới.
Năm 1988, 29 nước dự Liên hoan quốc tế âm nhạc truyền thống ở Bình Nhưỡng, băng ghi âm tiếng hát Quách Thị Hồ xếp hạng cao nhất. Và bà được Nhà nước phong tặng NSND ca trù duy nhất cho đến nay.
Bà mất ngày 4-1-2001 (ngày 10 tháng chạp, Canh Thìn), thọ 92 tuổi, “ra đi mang theo tất cả những gì cao quý, sang trọng và bác học của nghệ thuật ca trù trong thế kỷ 20” (một nhà nghiên cứu viết trong sổ tang).
Sống trong sóng to gió cả của ca trù, lênh đênh ba chìm bảy nổi, bà Hồ cũng có thái độ lưỡng cực tự nhiên với việc truyền nghề cho đào nương trẻ. Bà khắc khoải lo âu cứu ca trù, song lại nghiệt ngã không muốn truyền nghề tổ. Trên báo Lao Động (ngày 20-10-1991), bà chao chát trả lời Lưu Trọng Văn, con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư, may không bị bà từ chối phỏng vấn vì đã khẩn khoản nói về cha mình, người hơn 50 năm trước rất mê nghe bà hát cô đầu:
“Cậu hỏi tôi sao không truyền nghề ca trù? Ai mà học? Ai muốn học nghề đến nơi đến chốn đâu? Mà học làm gì? Có vị lãnh đạo văn hóa nói thẳng vào mặt tôi: Cái nghề ca trù của bà chỉ phục vụ bọn thực dân phong kiến, cái cây đã chết, cho nó chết, lấy đâu ra hoa mà nở. Lúc đó tôi chỉ cười: Rồi xem hoa có nở không”.
Còn nụ thì còn hoa, còn xanh thì còn chín
Nghệ nhân trống ca trù Nguyễn Văn Mùi, sinh năm 1931, thuộc họ Nguyễn ở Thái Hà ấp, với khởi nguồn từ ngôi đình Ca công, “nhà hát riêng” của họ Nguyễn, đến nay đã truyền qua bảy đời giữ nghề ca trù. Dòng họ này nhiều ca nương, kép đàn nổi tiếng cung đình xưa. Khởi từ cụ Nguyễn Đức Ý, quan tri huyện Hải Dương, đã truyền dạy nghệ thuật ca trù bác học cho con cháu trong dòng họ.
 Bà cô tổ Nguyễn Thị Tuyết là người được giao trọng trách quản lý hệ thống ca vũ trong cung vua Thành Thái và được tạc tượng ghi công bằng vàng. Hơn nửa thế kỷ trước, cụ Nguyễn Văn Xuân, thân sinh ông Mùi, từng là “nghệ nhân vô địch đàn đáy” xứ Bắc Hà.
Ông Mùi thuộc thế hệ thứ năm, kép trống, quyết nối tiếp thế hệ thứ sáu cho dòng tộc ca trù. Năm 1987, CLB Thái Hà của dòng tộc Nguyễn - Thái Hà ra đời, hình thành đủ bộ ba ca trù, với năm người con: Nguyễn Thị Thanh Trầm (sinh 1960) - đào nương, Nguyễn Văn Khuê (1962) - đàn đáy, Nguyễn Quyết Thắng (1966) - đàn đáy, Nguyễn Mạnh Tiến (1970) - đàn đáy, và đặc biệt đào nương Nguyễn Thúy Hòa (1973).
Thúy Hòa chịu ảnh hưởng sâu và được bà Quách Thị Hồ chân truyền nghề ca trù, với lời vàng đá mà cha con ông Mùi vẫn ghi lòng tạc dạ: “Tôi từng được nhiều người muốn học và cũng dạy được một số, nhưng người học được duy nhất và tôi muốn dạy chính là cháu Hòa, con anh. Tôi thấy chỉ có nhà anh may ra mới giữ được ca trù nghề tổ.” Sau này, nghe băng thu từ Paris lần đầu Hòa hát năm 1995, bà khóc: “Vậy là chết đã nhắm được mắt”. Bõ công bà Hồ phát hiện Thúy Hòa “mỏng mày hay hạt”, dáng đào nương phát lộ từ bé.
Thúy Hòa được bà Hồ dạy từ 6 tuổi, dù chưa đủ tố chất của giọng ca trù. Bà luyện nghề cho Hòa theo cách “tay sang tay, miệng sang miệng”. Bà buộc Hòa nói giọng Hà Nội thật chuẩn các thanh tiếng Việt: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng…, rồi dạy đọc “vỡ chữ” thơ, cố dò đến đáy chữ thơ để hát thật tròn vành rõ chữ dù Hòa chưa hiểu ngay, mặc lòng. Hòa phải cảm được nhạc điệu quấn quyện giữa ca từ và giọng hát ca trù, cùng nhịp phách ở ngón tay mình. Bà quyết liệt dặn: phải gõ được phách mới thành đào nương.
Tiếng phách ca trù vốn huyền bí, kỳ lạ: không có nhịp mà có nhịp. Nhịp lại phóng khoáng mà vẫn lặn sâu vào khuôn vàng thước ngọc của tiếng hát, chỉ đào nương thật giỏi mới cảm được nhịp mau chậm, tiến lui, buông bỏ, dồn dập, để chỉ bằng cảm giác tới ngưỡng thì “dứt hát là dứt phách”. Phách là tiếng hát thứ hai của đào nương, điều khiển bằng ngón tay tài tình như mưa sa, gió táp, dẫn dụ nhạc cảm của đào nương, chỉ đạo luôn cả tiếng đàn đáy và trống chầu, nên tiếng hát đào nương giữ được nhịp là nhờ ở phách. Phách có hay thì hát mới thật quấn quyến theo thể cách độc đáo của ca trù.
Thúy Hòa học ngày đêm. Ăn cơm lấy đũa đập vô thức vào miệng bát, đi ngủ gõ tay xuống chiếu… tìm phách. Không dùng phách gỗ làm sẵn, Hòa tự làm lấy cho mình cỗ phách bằng tre ròng rã vài tháng trời mới xong, không lần nào không đứt tay, chảy máu. Hòa bảo: “Bà Hồ và bố Mùi đều khen tiếng phách tre mới hay nhất, mà phải cây tre lõi đặc” Hằng tuần Hòa lóc cóc đạp xe xuống nhà bà Hồ ở Khâm Thiên học. Rồi học bà Phúc, cùng thế hệ bà Hồ.
Bà Ngọ thì dạy Hòa ngồi ba kiểu cổ điển, đi đứng đoan trang, phục trang tạo hình theo mẫu áo xống bà cô tổ Nguyễn Thị Tuyết. Nhưng Hòa học chủ yếu với bà Hồ, mỗi tuần một buổi, cho đến năm 14 tuổi, nhạc sĩ Tôn Thất Tiết từ Pháp về quyết đầu tư vào ca trù. Từ tiền của Hội Dây điện Pháp CODEC, ông biếu bà Hồ 500 franc mỗi tháng để Hòa được học nhiều buổi hơn.
Thúy Hòa, thế hệ thứ sáu của họ Nguyễn - Thái Hà, đã thành đào nương thực thụ trong một quá trình học cam go. Hòa bảo: “Càng học càng thấy… khó, khó nhất là bà Hồ đòi nghệ thuật kết hợp giọng phách và giọng hát. Kỹ thuật nảy hạt là đặc trưng ca trù, phải luyến láy âm ư trong khẩu hình miệng chữ “nhất”, chỉ hơi hé như bông hoa khẽ nở, tuyệt không hở răng để giọng vang rền, ngân rung từng chữ thơ cho tới đáy nghĩa của bài hát”.
Ca trù quả đã ngấm vào Hòa. Nửa đêm nghe con gái hát, gõ phách ở phòng ngoài, ông bố bật dậy: “Gõ được phách rồi con ơi. Mừng quá!” Sau ba năm khổ luyện với bà Hồ, Thúy Hòa nằm lòng hơn 20 làn điệu ca trù cơ bản và thật sự thành đào nương sau lễ mở xiêm áo…
Ngọn lửa gia tộc
Thế là dòng tộc ông Mùi nối được nghề, lưu giữ khoảng 40 làn điệu (cả ca vũ) trong số ngót 100 làn điệu ca trù, được đánh giá là giáo phường ca trù mạnh nhất Thăng Long về sức mạnh gia tộc trong giữ lửa ca trù. Cha cầm roi trống chầu, con trai gảy đàn đáy nhặt khoan, con gái và hai cháu nội hát du dương, tình tứ, điêu luyện…
Gia tộc Nguyễn - Thái Hà được mời diễn nước ngoài từ năm 1995. Bắt đầu ở Paris, đúng 100 năm, ca trù Việt lại có duyên ra mắt ở Paris, nhà hát La Monson Cultur, sau lần đầu năm 1895. Báo Pháp lúc đó đánh giá: “Một cú sốc âm nhạc tại Pháp”. Sau đó là Hà Lan, Anh, Bỉ, Thụy Sĩ, Ý… - từng được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình BBC (Anh) và AFP (Pháp). Gần nhất, gia tộc ông Mùi được mời sang Bắc Kinh (Trung Quốc), truyền hình trực tiếp đầu năm 2009. Lần đầu hai đào nương trẻ măng Nguyễn Kiều Anh và Nguyễn Thu Thảo, cùng sinh năm 1994, thế hệ thứ bảy, đã cùng ông nội và bố biểu diễn ca trù xuất sắc ở Bắc Kinh.
Dạy hát từ thuở còn thơ, cách đào tạo ấy của gia tộc Nguyễn Văn Mùi, truyền đến thế hệ thứ bảy vẫn nuôi được lửa ca trù nồng đượm, bằng cốt cách văn hóa riêng của một dòng tộc ca trù đặc hiệu Thăng Long. Tiễn tôi ra cổng, ông Mùi tha thiết: “Ca trù không  bao giờ mất, cháu ạ. Có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa”. Tôi biết ông hài lòng về hai cháu nội Thu Thảo và Kiều Anh, đang trổ mã rực rỡ thành đào nương thanh tân thanh lịch đất Thăng Long - Hà Nội.
Và tôi, thoáng nhung nhớ cô Cầm trong Long Thành cầm giả ca của cụ Nguyễn Du.
NGUYỄN THỊ MINH THÁI
Theo tuoitre

Related Articles

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.

Danh mục

Ads 468x60px

Party Photography

Female Photography

Tổng số lượt xem trang

Lưu trữ Blog

Find Us On Facebook

Latest Posts

International

Featured Video

Pages

Vertical2

Sample Text

Search


.

.

.

.

.

Banner4

Banner4

Càng biết nhiều càng khổ.

Càng biết nhiều càng khổ.
Một câu niệm Phật, tiêu vạn tội. Hai chữ Từ bi, giải vạn sầu....

Business

Nhãn

Translate

Advertisement

Fun & Fashion

Social Media

Join with us

Popular Posts

POPULAR POSTS