Sở Y tế tỉnh Hà Nam cho rằng Công ty cổ phần Sao Thái Dương có nhiều sai phạm trong hoạt động quảng cáo sản phẩm dầu gội “dược liệu”.
Mới đây, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (Unilever Việt Nam) gửi văn bản lên cơ quan chức năng tố thành phần dầu gội dược liệu Thái Dương 7 có chứa chất Ketoconazole - chất không được phép dùng trong mỹ phẩm, “có nguy cơ gây mất an toàn cho người dùng”.
Không chỉ thế, Unilever Việt Nam còn cho rằng bao bì sản phẩm, phim quảng cáo dầu gội dược liệu Thái Dương 3 “vi phạm pháp luật về quảng cáo và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
“Chúng tôi có thể khẳng định hiện trên thị trường không có loại sản phẩm dầu gội nào có thể khiến cho tất cả người sử dụng chỉ cần sử dụng một lần là có thể yên tâm 7 ngày không gàu, không ngứa trong mọi hoàn cảnh”, Unilever Việt Nam cho biết.
Ketoconazole là chất sắp"biến mất" trong thành phần mỹ phẩm
Ngay khi nhận được phản ánh, ngày 18/8, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế tỉnh Hà Nam làm rõ, xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Đến cuối tháng 9 vừa qua, Sở Y tế tỉnh Hà Nam có kết luận thanh tra để giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh của Unilever Việt Nam.
Sở Y tế tỉnh Hà Nam cho rằng Công ty cổ phần Sao Thái Dương có nhiều sai phạm trong hoạt động quảng cáo sản phẩm dầu gội “dược liệu”. Ảnh minh họa: Đ.Xinh. |
Theo kết luận, Ketoconazole không thuộc danh mục chất cấm. Các thành phần có quy định về giới hạn nồng độ, hàm lượng và điều kiện sử dụng trong công thức sản phẩm, mỹ phẩm.
“Dầu gội dược liệu Thái Dương 7 có Ketoconazole tỷ lệ với nồng độ, hàm lượng 1% đã được đánh giá an toàn trên da người thử nghiệm”, kết luận nêu rõ.
Ông Nguyễn Việt Hùng cũng đồng tình với nội dung này đồng thời cho biết thêm hiện Bộ Y tế đã cấp sổ đăng ký thuốc có chứa hoạt chất Ketoconazole.
Trong khi đó, trao đổi với Zing.vn, ông Ngô Văn Thiểm, đại diện Công ty Cổ phần Sao Thái Dương nhấn mạnh: “Đó không phải là chất cấm. Ngay từ khi đăng ký chúng tôi đã nói rõ trong thành phần của dầu gội Thái Dương 7 có chất đó với hàm lượng cho phép”.
Tuy vậy, vị này thừa nhận vừa qua, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thông qua việc không cho chất đó vào thành phần mỹ phẩm.
“Điều đó đồng nghĩa với việc cùng một sản phẩm, giờ gọi là mỹ phẩm, nhưng tới đây muốn lưu hành trên thị trường, chúng tôi phải đăng ký cho nó thuộc danh mục thuốc”, ông Thiểm nói thêm.
Vị này thông tin hiện các sản phẩm của họ vẫn được lưu hành trên thị trường do chưa có lệnh cấm. “Đó chỉ là công bố nên chúng tôi vẫn hoạt động bình thường”, ông nhấn mạnh.
Bị xử phạt hành chính vì sai phạm về quảng cáo
Kết luận của Sở Y tế tỉnh Hà Nam cho rằng chưa có cơ sở để nói cụm từ “dược liệu” gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về việc sản phẩm này có dược tính, tính năng như thuốc. Tuy vậy, Sở đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp này.
Thứ nhất, nội dung được ghi trên nhãn sản phẩm dầu gội Thái Dương 3 và 7 thể hiện phương pháp nghiên cứu còn hạn chế ở mẫu và cách trình bày. Sở cũng cho rằng phản ánh của Unilever Việt Nam về việc quảng cáo sản phẩm dầu gội Thái Dương 7 sử dụng tên cơ sở y tế “Bệnh viện Quân Y 103” và tên cán bộ y tế, bác sĩ “PGS.TS Trần Đăng Quyết” là đúng.
“Với các sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về Công ty Cổ phần Sao Thái Dương”, ông Văn Tất Phẩm, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Nam cho biết.
Vị này đề nghị Công ty Cổ phần Sao Thái Dương bổ sung nghiên cứu sâu, rộng hơn nữa về đánh giá tác dụng của hai loại dầu gội nêu trên đồng thời giao thanh tra Sở xem xét, xử phạt vi phạm hành chính với công ty này theo quy định của pháp luật.
Nói về kết luận thanh tra này, ông Ngô Văn Thiểm, đại diện công ty trên, thừa nhận: “Toàn bộ nội dung Sở Y tế tỉnh Hà Nam công bố là đúng”.
Theo Zing
0 nhận xét:
Đăng nhận xét